cach-gioi-thieu-ban-than

Cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn tuyển dụng

07/04/2022

Nancy Dinh

Lo lắng là điều không tránh khỏi trước những buổi phỏng vấn xin việc. Chính sự lo lắng, hồi hộp này có khi lại khiến chúng ta lúng túng trước những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản như “Hãy giới thiệu về bản thân bạn”.  

Đây được xem là một trong những câu hỏi cơ bản xuất hiện trong hầu như tất cả những cuộc phỏng vấn ở mọi ngành nghề, mọi vị trí công việc. Câu hỏi này cũng có thể được đặt ra dưới nhiều hình thức khác như: 

  • Bạn hãy nói gì đó về bản thân mình. 
  • Bạn hãy tự giới thiệu về bản thân.
  • Những người khác sẽ mô tả về bạn như thế nào? 
  • Cho tôi biết điều gì đó về bản thân bạn.  
  • Hãy mô tả bản thân bạn. 

Nhiều ứng viên sợ hãi khi gặp dạng câu hỏi kiểu này vì sự mơ hồ trong việc xác định những gì người phỏng vấn thực sự muốn biết. Bạn bối rối không biết nên bắt đầu từ đâu? Chia sẻ về sở thích của bạn? Hay nói về quá trình học tập và làm việc chi tiết của bạn?  

Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra các mẹo về những điều nên có cũng như nên tránh đề cập trong câu trả lời. Hãy cùng tìm hiểu để có thể có sự chuẩn bị tốt nhất nhé! 

Tại sao nhà tuyển dụng hỏi “hãy cho tôi biết về bản thân bạn”? 

Đối với người phỏng vấn, câu hỏi này được xem như “con tàu phá băng” để dễ dàng bắt đầu cuộc hội thoại. Nó cũng thường là câu hỏi đệm để những nhà tuyển dụng khác trong cùng buổi phỏng vấn có thể chuyển thẳng sang các câu hỏi tiếp theo sau khi bạn trả lời.  

Tuy nhiên, cần phải đánh giá khách quan rằng, đây không hẳn là trọng điểm mà nhà tuyển dụng muốn đạt được khi đặt ra câu hỏi này. Cái mà họ thực sự muốn biết là tìm hiểu những thông tin liên quan về bạn để từ đó quyết định xem liệu bạn có phù hợp với vị trí đang tuyển dụng không.  

Vậy những thông tin về bạn mà họ đang tìm kiếm là gì? 

  • Kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển  
  • Bạn là người linh hoạt, tự tin và có khả năng ứng biến không? 
  • Sự tin tưởng vào bản thân và năng lực của mình đến mức nào. 

Lập kế hoạch cho câu trả lời của bạn 

Đôi khi bạn có thể gặp khó khăn trong việc chuẩn bị kế hoạch cho những câu hỏi trước buổi phỏng vấn. Để giúp bạn dễ dàng đi đúng hướng, chúng tôi đã lên danh sách những luận điểm mà bạn nên quan tâm để có được một câu trả lời giới thiệu về bản thân hoàn chỉnh: 

Thể hiện bạn chính là lựa chọn hoàn hảo cho vị trí này?  

Hãy bắt đầu nghĩ xem điều gì làm nên “chất” riêng của bạn. Đó có thể là kiến thức chuyên môn, số năm kinh nghiệm làm việc, hay định hướng về kỹ năng mà bạn đang hướng tới. Cách tốt nhất là xem kỹ JD về vị trí đang ứng tuyển và nhấn mạnh cho nhà tuyển dụng biết những gì mà bạn có thể làm để mang lại kết quả công việc vượt hơn cả mong đợi.  

Tại sao bạn quan tâm vị trí này?  

Suy nghĩ lý do đằng sau việc bạn quyết định ứng tuyển công việc này. Quan trọng hơn cả, nó phù hợp thế nào với mục tiêu nghề nghiệp lâu dài trong 5 năm hay 10 năm tới. Và tại sao bạn nghĩ đây là bước đi tiếp theo tốt nhất của bản thân.  

Tại sao bạn lựa chọn công ty/ ngành này?  

Bạn sẽ hiểu rõ hơn về sứ mệnh, mục tiêu, và cả những xu hướng tác động sau khi dành thời gian nghiên cứu về công ty cũng như ngành mà bạn đang mong muốn được làm việc. Liệu những điều này có thực sự phục vụ mục tiêu nghề nghiệp đề ra trước đó của bạn? Điểm nào khiến bạn ấn tượng với công ty? Điều gì về tương lai của ngành nghề làm bạn cảm thấy phấn khích và hứng thú?  

Nhìn chung, khi bắt đầu viết CV, hãy luôn gắn chặt những điểm tương đồng giữa mục tiêu nghề nghiệp, tầm nhìn tương lai của công ty, cũng như xu hướng ngành mà bạn cho rằng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng. 

Đặc điểm tính cách phù hợp với vị trí tuyển dụng

Nghĩ một cách tổng quan về cách mà bạn tự đánh giá về bản thân mình cũng như cách mà người khác nhìn nhận về bạn. Ví dụ, bạn bè hay đồng nghiệp thường mô tả bạn như thế nào? Là người cẩn thận? Có tính tò mò, ưa thử thách? Là người có tính tổ chức? Hay có khả năng quản lý? Sau đó, hãy nghĩ về những hoàn cảnh cụ thể gần đây trong cuộc sống mà bạn thể hiện và bộc lộ rõ nhất đặc điểm đó. 

Sự khác biệt của bạn với các ứng viên khác

Đây là khía cạnh hầu như luôn được đề cập trong buổi phỏng vấn. Thông thường, những người phỏng vấn đã thấy quen với việc nghe đi nghe lại những câu trả lời tương tự hết lần này đến lần khác. Chính vì thế, hãy cố gắng suy nghĩ về điều gì đó thu hút nhà tuyển dụng. Ví dụ: nói điều gì đó như “Tôi đã viết một phần mềm đơn giản từ năm 12 tuổi”, khi ứng tuyển vào vị trí software developer chẳng hạn. 

Những thông tin nên có trong câu trả lời  

 Câu trả lời cho những câu hỏi kiểu này không có đúng hay sai, điều quan trọng ở đây là truyền tải được thông tin phù hợp dựa trên kỹ năng và tính cách của bạn và cố gắng đáp ứng những kỳ vọng nhất định đối với nhà tuyển dụng. Nếu đã tìm hiểu công việc mình ứng tuyển một các kỹ lưỡng, bạn nên thể hiện được rằng mình chính là ứng viên mà họ đang tìm kiếm. Một câu trả lời thuyết phục nên bao hàm những điểm sau đây:  

Kinh nghiệm & thành tự trong quá khứ. 

Bắt đầu bằng việc đọc lại JD. Đồng thời, ghi lại những kỹ năng mà bạn có và những kinh nghiệm đã trải qua được rút ra từ những nhiệm vụ/ vai trò trước đây mà bạn từng đảm nhận.  

Công việc gần nhất khiến phù hợp với vị trí ứng tuyển.  

Liệu với công việc đó, bạn có đảm nhận vị trí senior không? Nếu câu trả lời là có, hãy giải thích cách bạn đảm nhận nó, và cách bạn thực hiện khối lượng công việc cũng như đảm đương nhiều trách nhiệm hơn vị trí hiện tại. Trong trường hợp bạn chuyển sang một vị trí mới mới, nhớ mô tả chi tiết các kỹ năng hiện tại của bạn phù hợp với vai trò này. 

Tập trung vào điểm mạnh & năng lực bản thân. 

Lưu ý rằng cần tập trung vào chi tiết & kết quả mà bạn có thể định lượng khi bắt đầu xây dựng kịch bản cho từng ví dụ trong câu trả lời.  

Ví dụ:  

Việc bạn đưa ra luận điểm “dịch vụ khách hàng được cải thiện” sẽ thiếu tính thuyết phục và không gây ấn tượng mạnh so với cách nói “tăng tỷ lệ phản hồi dịch vụ khách hàng mỗi quý từ 10% đến 15%”. Trong trường hợp bạn không có thông tin chính xác, hãy ước tính một giá trị khả thi sát thực tế. 

Làm nổi bật cá tính của bạn 

Với câu hỏi phỏng vấn “hãy mô tả bản thân bạn”, bạn nên chia sẻ tính cách của mình với người phỏng vấn – chứ không phải chi tiết cá nhân. Điều đó có nghĩa là, bạn có thể để cập ngắn gọn những sở thích thể hiện tính cộng đồng hoặc giúp bạn mở rộng hiểu biết, kiến thức (ví dụ: âm nhạc, thể thao, đọc sách, hoạt động tình nguyện) hoặc những sở thích giúp thể hiện tính kỷ luật hay mang lại thành tích cá nhân (ví dụ: luyện tập cho giải chạy marathon, học một kỹ năng mới). Nhìn chung, thảo luận về sở thích cá nhân là một cách tốt và hiệu quả để làm đoạn kết cho câu trả lời của bạn. 

Định hình cấu trúc cho câu trả lời 

Để đảm bảo có một phản hồi rõ ràng và rành mạch, chắc chắn bạn không nên trả lời theo thứ tự thông tin ngẫu hứng. Thay vì vậy, hãy sắp xếp câu trả lời của mình theo một định dạng nhất định.  

Có hai công thức theo dòng thời gian phổ biến bạn có thể cân nhắc: 

  • Đi từ hiện tại -> Quá khứ -> Tương lai 
  • Đề cập quá khứ trước -> Hiện tại -> Tương lai 

Bạn hoàn toàn có thể chọn một trong hai trình tự kể trên dựa theo ý định sắp xếp cá nhân và việc bạn muốn nhấn mạnh vai trò hay kinh nghiệm nào trước tiên (đừng quên đảm bảo nó có liên quan sát nhất với vị trí bạn đang phỏng vấn).  

Ví dụ:  

Nếu vai trò gần đây nhất của bạn nêu bật nhiều kỹ năng và trình độ cần thiết cho vị trí hiện tại ứng tuyển, bạn hoàn toàn có thể muốn lựa chọn nhắc đến hiện tại trước. Tuy nhiên, nếu bạn đang trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp và kinh nghiệm trong quá khứ của bạn có liên quan chặt chẽ đến bản JD mô tả công việc của công ty đang tuyển dụng, bạn có thể chọn công thức thứ 2 là đẩy các sự kiện quá khứ lên đầu.  

Những điều nên & không nên

Sau đây là những điều bạn nên làm và những sai lầm phổ biến cần tránh trong quá trình trả lời. 

Nên  

  • Làm rõ những điểm mạnh cá nhân bằng các ví dụ cụ thể. 
  • Không trả lời quá dài (giới hạn những phản hồi của bạn trong khoảng 2 phút hoặc ngắn hơn). 
  • Tập trung vào các chi tiết & kết quả mà bạn có thể định lượng được. 
  • Nhấn mạnh điều khiến bạn khác biệt với các ứng viên khác. 
  • Đề cập đến những kinh nghiệm trong quá khứ & những thành công đã đạt được.  
  • Làm nổi bật cá tính của bạn. 
  • Kết nối các kỹ năng của bạn với JD công việc đang ứng tuyển.  
  • Điều chỉnh trách nhiệm công việc hiện tại của bạn phù hợp với vai trò mới.  
  • Đề cập ngắn gọn đến sở thích, quá trình phát triển bản thân và những hoạt động cộng đồng bạn đã và đang tham gia.  

Không nên 

  • Đề cập đến thông tin cá nhân chi tiết liên quan đến tình trạng hôn nhân, quan điểm chính trị hay tôn giáo của bạn. Đây là những chủ đề nhạy cảm và không cần thiết đối với buổi phỏng vấn.  
  • Liệt kê nhiều điểm mạnh chung chung mà không có ví dụ mô phỏng. Thay vì kể ra hàng loạt, bạn nên chọn hai hoặc ba phẩm chất nổi bật về bản thân. Đi kèm với đó là những câu chuyện tóm gọn để làm rõ cho ưu điểm đó của bạn.  
  • Đọc thuộc lòng câu trả lời đã chuẩn bị. Việc cố gắng ghi nhớ và nhắc lại những gì đã có sẵn chính xác từng từ một có thể khiến câu trả lời trở nên cứng nhắc, thiếu tự nhiên, và đương nhiên nhà tuyển dụng sẽ nhận ra điều đó.  
  • Tóm tắt chi tiết sơ yếu lý lịch/ CV. Trên thực tế, người phỏng vấn đã có bản sao của những tài liệu này và chắc chắn họ đã đọc chúng. Việc trình bày lại những gì đã viết là điều thừa thãi, thay vào đó, tốt nhất bạn nên điểm qua một cách ngắn gọn những thành tựu đáng chú ý nhất và có thể đề cập đến thành tích liên quan chưa được trình bày trong hồ sơ.  
  • Sa đà vào các cuộc trò chuyện về lợi ích mà bạn nhận được từ công ty hay những gì bạn đang tìm kiếm đối với vai trò mới này. Nên lưu lại những chủ đề đó cho những giai đoạn sau của quá trình phỏng vấn, như vậy sẽ phù hợp hơn. 

Để tạo nên một cuộc phỏng vấn thành công, hãy luôn có sự chuẩn bị trước bằng cách ngồi xuống và lập kế hoạch về việc bạn sẽ trả lời như thế nào. Mong rằng bài viết đã cung cấp những tips hiệu quả giúp bạn có thể giới thiệu bản thân thật ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đừng quên khám phá những vị trí công việc tiềm năng còn trống tại TECHVIFY, biết đâu bạn lại tìm được cho mình công việc phù hợp với kỹ năng và kinh nghiệm của mình! 

5/5 - (1 đánh giá)