cach-viet-so-thich-trong-cv

Cách Viết Sở Thích Trong CV Ứng Tuyển

12/04/2022

TECHVIFY

Rất nhiều người bỏ qua phần sở thích và mối quan tâm (Hobbies and Interests) của bản thân khi viết CV. Tuy nhiên, họ không biết rằng ngày càng có nhiều đơn vị tuyển dụng nhân sự dựa trên mức độ thích hợp của ứng viên với văn hóa doanh nghiệp. Thông qua phần sở thích, các nhà tuyển dụng sẽ biết được khả năng làm việc, nguồn năng lượng, cũng như đánh giá khả năng gắn bó của ứng viên đó với công ty.  

Trong bài viết này, chúng tôi giúp bạn hiểu rõ hơn về lợi ích của việc đưa sở thích và những mối quan tâm vào CV,  khi nào bạn nên đưa vào, những loại sở thích nào phù hợp nhất và bạn nên bỏ qua những sở thích nào. 

Sở thích vs mối quan tâm 

Sở thích và mối quan tâm có liên quan chặt chẽ với nhau và có thể thay thế cho nhau trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên hai từ này có những khác biệt nhất định.  

Sở thích là những hoạt động chủ động mà bạn tham gia vào thời gian rảnh rỗi, trong khi đó mối quan tâm được định nghĩa là sự tò mò thụ động hoặc cảm giác của một cá nhân đối với một sự vật/ hoạt động cụ thể. Ví dụ: bạn có thể liệt kê “du lịch nước ngoài” như một sở thích nếu bạn là người đi lại thường xuyên. Nếu nhà tuyển dụng muốn biết thêm về sở thích đó, bạn có thể sẽ được yêu cầu trình bày chi tiết trong cuộc phỏng vấn. 

Còn nếu bạn quan tâm đến du lịch nhưng thực tế đi rất ít, đó sẽ được coi là một mối quan tâm. Bạn cũng có thể đưa thông tin này vào CV của mình để cho các nhà tuyển dụng tiềm năng thấy rằng bạn sẵn sàng với những công việc yêu cầu phải di chuyển và đi lại đến nhiều quốc gia khác nhau. 

Khi nào nên đưa sở thích & mối quan tâm vào CV? 

Nhìn chung, chỉ nên đưa các sở thích hay mối quan tâm vào CV nếu chúng có khả năng giúp bạn “ghi điểm” hơn trong mắt nhà tuyển dụng.  

Trường hợp bạn nên đưa mục sở thích và mối quan tâm vào: 

  • CV còn trống do bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc.  
  • Kỹ năng liên quan đến công việc đang ứng tuyển còn hạn chế.  
  • Tin tuyển dụng liệt kê các trách nhiệm hoặc nhiệm vụ phù hợp với sở thích hay mối quan tâm của bạn. 
  • Nhà tuyển dụng coi trọng sự độc đáo và cá tính của mỗi ứng viên. 
  • Công ty có văn hóa doanh nghiệp đặc thù ví dụ các hoạt động tập thể sôi nổi. Lúc này những sở thích như du lịch, team building,..có thể sẽ ghi điểm cho người phỏng vấn. 

Tóm lại, sở thích hay mối quan tâm không phải phần bắt buộc phải có trong hồ sơ xin việc nhưng đối với một số tình huống và trường hợp cụ thể, nó có thể mang lại những lợi ích mà bạn không thể ngờ tới như:  

  • Dễ dàng làm nổi bật CV, thể hiện được cá tính, màu sắc riêng. 
  • Là nơi giúp bạn bộc lộ được những kế hoạch cũng như mong muốn cá nhân của mình khi đồng hành cùng doanh nghiệp trong tương lai.  
  • Là một phần phụ gợi ý để thảo luận giúp giảm không khí căng thẳng của buổi phỏng vấn.  
  • Giúp ứng viên thể hiện rõ kỹ năng hữu ích liên quan trực tiếp vị trí đang ứng tuyển. 

Ví dụ về sở thích và mối quan tâm trong CV của bạn 

Điều quan trọng là phải có chiến lược khi thêm phần sở thích vào CV. Thực tế, mỗi cá nhân sẽ có rất nhiều sở thích khác nhau nhưng không thể liệt kê hết hoặc đưa một cách ngẫu hứng. Thay vì vậy nên lựa chọn những thứ phản ánh hình ảnh tích cực về bạn cũng như giúp bộc lộ tốt nhất những kỹ năng và phẩm chất phù hợp với công việc bạn đang hướng đến.  

Ví dụ về sở thích và mối quan tâm 

Một số sở thích có thể chọn để liệt kê trong CV bao gồm: 

  • Các hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh hoặc thiết kế đồ họa 
  • Hoạt động cộng đồng 
  • Nấu ăn  
  • Tập thể dục/ chăm sóc sức khỏe 
  • Các hoạt động ngoài trời 
  • Chơi nhạc cụ 
  • Thể thao 
  • Đi du lịch 
  • Điêu khắc 
  • Viết lách 

Tiếp theo là gợi ý về mối quan tâm mà bạn có thể đề cập đến:   

  • Âm nhạc 
  • Game 
  • Đi du lịch 
  • Nghệ thuật 
  • Thiên nhiên 
  • Các vấn đề xã hội 
  • Ngoại ngữ 
  • Lịch sử 
  • Điện ảnh 

Một số điều nên tránh đề cập 

Bên cạnh những sở thích hay mối quan tâm thể hiện cá tính riêng giúp bạn trở nên khác biệt thì sẽ có những thứ mà khi thêm vào CV sẽ khiến bạn trở nên “kỳ lạ” trong mắt nhà tuyển dụng hoặc tệ hơn nữa là làm hạ thấp hình ảnh của bạn. 

Các mục không nên nhắc tới trong CV: 

  • Sở thích được số ít quan tâm 
  • Sở thích được coi là bạo lực hoặc có thể gây nguy hiểm 
  • Mối quan tâm/ sở thích phản ánh hành vi hoặc hoạt động chống đối xã hội 
  • Những sở thích hay mối quan tâm tiết lộ thông tin cá nhân nhạy cảm, chẳng hạn như quan điểm chính trị hoặc tôn giáo 

Cách viết sở thích trong CV 

Sở thích/ mối quan tâm có thể tăng thêm sức nặng cho hồ sơ và khiến ứng viên trở nên thú vị hơn đối với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Tuy nhiên, bạn nên đảm bảo rằng bản tóm tắt về mục tiêu, quá trình công tác, trình độ học vấn và kỹ năng vẫn nên được ưu tiên và được đặt lên hàng đầu trong quá trình viết CV.  

Những mục liên quan đến sở thích/ mối quan tâm bạn nên đẩy xuống phần cuối cùng trong hồ sơ và liệt kê một cách ngắn gọn, súc tích. Ngoài ra, hãy cố gắng chọn cho mình từ một đến hai sở thích mà bạn cho rằng độc đáo, nổi bật. Đây chính là điểm cộng cho CV, giúp quá trình chinh phục nhà tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn. 

TECHVIFY careers mong rằng bạn đã có cho mình nhiều gợi ý hay để hoàn thiện bộ hồ sơ của riêng mình trong quá trình tìm kiếm công việc mơ ước. 

5/5 - (1 đánh giá)